Kiểm sát về pháp luật tố tụng trong giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục sơ thẩm thế nào? Kiểm sát việc xác định thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục sơ thẩm ra sao? Xác định di sản thừa kế, giá trị di sản, hiện trạng, quá trình sử dụng, quản lý di sản theo thủ tục sơ thẩm được kiểm sát như thế nào?
Tư vấn
Kiểm sát về pháp luật tố tụng trong giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục sơ thẩm thế nào?
Căn cứ Tiết 1.1 Tiểu mục 1 Mục II Hướng dẫn 24/HD-VKSTC năm 2021 quy định về việc kiểm sát về pháp luật tố tụng trong giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục sơ thẩm như sau:
Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế cần thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 57, Điều 58, Điều 59 Bộ luật tố tụng Dân sự (BLTTDS), các quy định khác của BLTTDS và văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS về thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm; Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm được ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quyết định 458/2019).
Như vậy, kiểm sát về pháp luật tố tụng trong giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục sơ thẩm được quy định như sau: Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế cần thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 57, Điều 58, Điều 59 Bộ luật tố tụng Dân sự (BLTTDS), các quy định khác của BLTTDS và văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS về thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm; Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm được ban hành kèm theo Quyết định 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quyết định 458/2019).
Kiểm sát về pháp luật tố tụng trong giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục sơ thẩm thế nào?
Kiểm sát việc xác định thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục sơ thẩm ra sao?
Theo Tiểu tiết 1.2.1 Tiết 1.2 Tiểu mục 1 Mục II Hướng dẫn 24/HD-VKSTC năm 2021 quy định về việc kiểm sát việc xác định thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục sơ thẩm như sau:
Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức cần chú ý một số vấn đề sau:
1.2.1. Xác định thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế
- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Việc xác định thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định di sản của người chết để lại, xác định người được hưởng thừa kế, thời hiệu khởi kiện và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp về thừa kế...
- Theo quy định tại Điều 184 BLTTDS, khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015), Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án.
Trường hợp thời hiệu khởi kiện không còn nhưng không có đương sự nào yêu cầu áp dụng thời hiệu hoặc đưa ra yêu cầu không phù hợp quy định của pháp luật thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án.
Trường hợp đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu đúng quy định thì cần làm rõ thời điểm mở thừa kế (thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện) và ngày khởi kiện để xác định còn thời hiệu khởi kiện hay đã hết.
Khi xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế, cần lưu ý các quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện (trường hợp sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan), quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án trong BLDS.
- Để xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế cần nắm vững quy định về thời hiệu khởi kiện tại Điều 184 BLTTDS, Điều 149 và Điều 623 BLDS 2015, Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ số 26/2018/AL của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và tham khảo mục 1, 2 Phần III Giải đáp vướng mắc số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 và Phần I Giải đáp vướng mắc số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế được tính từ ngày 10/9/1990.
Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 10/9/1990 đến trước ngày 01/01/2017 (ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực), thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản được tính từ thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 58/1998). Theo đó thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 (ngày Nghị quyết số 58/1998 có hiệu lực), không tính vào thời hiệu khởi kiện (khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số 58/1998).
Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 1037/2006). Theo đó, thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 (ngày Nghị quyết số 1037/2006 có hiệu lực) không tính vào thời hiệu khởi kiện (khoản 2 Điều 39 Nghị quyết số 1037/2006).
Theo đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Việc xác định thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định di sản của người chết để lại, xác định người được hưởng thừa kế, thời hiệu khởi kiện và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp về thừa kế... Và các quy định khác của pháp luật được nêu trên.
Xác định di sản thừa kế, giá trị di sản, hiện trạng, quá trình sử dụng, quản lý di sản theo thủ tục sơ thẩm được kiểm sát như thế nào?
Tại Tiểu tiết 1.2.2 Tiết 1.2 Tiểu mục 1 Mục II Hướng dẫn 24/HD-VKSTC năm 2021 quy định về việc kiểm sát về xác định di sản thừa kế, giá trị di sản, hiện trạng, quá trình sử dụng, quản lý di sản theo thủ tục sơ thẩm như sau:
1.2.2. Xác định di sản thừa kế, giá trị di sản, hiện trạng, quá trình sử dụng, quản lý di sản
- Di sản thừa kế được phân chia cho những người thừa kế là phần di sản còn lại sau khi thực hiện xong nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.
- Để giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, cần xác định rõ di sản thừa kế gồm những gì? Giá trị tài sản có tranh chấp? Xác định thực tế khối tài sản hiện đang được sử dụng như thế nào và xem xét các yêu cầu của đương sự để phân chia di sản cho phù hợp.
- Cần xác định hiện trạng của di sản thừa kế, nguồn gốc, quá trình biến đổi và thực trạng từng loại di sản; công sức của người duy trì phát triển tài sản là di sản; công sức của người chăm sóc người để lại di sản; việc ma chay, giỗ, tết... liên quan đến người để lại di sản; di sản đang được ai quản lý và được sử dụng như thế nào? Yêu cầu, ý kiến của người quản lý di sản đối với việc trích công sức quản lý di sản? Để làm rõ những vấn đề trên, khi nghiên cứu cần xem xét các tài liệu liên quan đến nguồn gốc, giá trị và hiện trạng tài sản ở thời điểm mở thừa kế, thời điểm có yêu cầu chia thừa kế như: Văn bản ghi ý kiến, bản tự khai, biên bản ghi lời khai của các đương sự, văn bản xác nhận, cung cấp chứng cứ, biên bản thẩm định tại chỗ, biên bản xác định hiện trạng tài sản, đo đạc nhà đất, vị trí, kích thước, người đang quản lý sử dụng, biên bản định giá, thẩm định giá tài sản... Đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì lưu ý xác định tính chất pháp lý của tài sản, xem xét về nguồn gốc, sự chuyển dịch tài sản qua các thời kỳ, quá trình thực hiện chính sách cải tạo đối với loại tài sản này của Nhà nước để đề xuất đường lối giải quyết phù hợp. Đồng thời, cần làm rõ công sức của người quản lý di sản trong việc duy trì, phát triển khối di sản; công sức của người chăm sóc, ma chay, trách nhiệm giỗ tết cho người chết....
- Đối với di sản thừa kế nằm trong khối tài sản chung vợ chồng, cần nghiên cứu vận dụng Luật hôn nhân gia đình năm 1959, 1986, 2000 và 2014; Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội, các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ số 03/2016 để xác định giá trị tài sản chung của vợ chồng, từ đó xác định di sản của người chết.
- Việc xác định di sản thừa kế có liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình cần phải kiểm tra, xem xét tài liệu, chứng cứ về quá trình tạo lập, thời gian sử dụng và công sức đóng góp của người chết vào khối tài sản chung đó, để xác định phần di sản của người chết.
- Làm rõ di sản là tài sản riêng của người chết hay là phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác. Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác có thể là phần tài sản nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng hoặc nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần với người khác phụ thuộc vào cách thức và căn cứ xác lập nên các hình thức sở hữu đó.
+ Đối với tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất: Trường hợp đất đã có giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất thì phải kiểm tra các giấy tờ về đất đai kèm theo các tài liệu hồ sơ quản lý đất và tài sản trên đất (nếu có) để xem xét, đánh giá đất thuộc quyền sử dụng của ai, diện tích cụ thể như thế nào? Khi nghiên cứu hồ sơ phải lưu ý đến các tài liệu: Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đưa ra; các biên bản hòa giải ở xã, phường; thực tế diện tích đất đương sự đang sử dụng; quá trình kê khai, đóng thuế sử dụng đất và ý kiến, quan điểm của các bên trong quá trình sử dụng đất hàng năm như thế nào? Có phản đối hay đồng ý khi phía bên kia sử dụng đất mà họ cho là không thuộc quyền sử dụng của người đó. Sự phù hợp của hiện trạng đất đang có tranh chấp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt...
+ Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều vụ án chia di sản thừa kế bị hủy nhiều lần vì khi giải quyết, Toà án không xem xét kỹ nguồn gốc, sự chuyển dịch theo thời gian, những biến động của tài sản là di sản trong quá trình thực hiện các chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ, thậm chí không xem xét đến những tài sản (không phải là di sản) đang tồn tại, hiện hữu trong khối tài sản có tranh chấp hoặc phân chia di sản không phù hợp với thực tế và nhu cầu của đương sự như: Tài sản có thể chia bằng hiện vật nhưng chỉ giao cho một bên sở hữu, sử dụng khi người này không có khả năng chi trả giá trị cho các thừa kế khác trong khi có đương sự khác cũng có yêu cầu được phân chia hiện vật hoặc chia di sản cho các thừa kế bằng nhau nhưng giá trị sử dụng của di sản là khác nhau. Trường hợp di sản thừa kế là vốn góp trong doanh nghiệp, cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu trí tuệ, cần phải nghiên cứu các quy định của pháp luật về các nội dung này để xem xét xác định giá trị của di sản thừa kế và cách thức phân chia cho phù hợp.
* Lưu ý: Trường hợp di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng cho người khác, các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó, số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế, bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.
Trong vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã được người để lại di sản tặng cho bằng lời hoặc đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), họ không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế; nếu có cơ sở chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản của họ.
Trên đây là quy định của pháp luật về xác định di sản thừa kế, giá trị di sản, hiện trạng, quá trình sử dụng, quản lý di sản theo thủ tục sơ thẩm.